Sau khi Chủ
tịch UBND tỉnh phát động viết bài, hồi ký về chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước -
Chà Là, đã có nhiều nhân chứng lịch sử tham gia viết bài về quá trình chuẩn bị,
diễn biến của các trận chiến Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là (1963). Đây là nguồn
tư liệu quý giá để biên tập thành ấn phẩm phát hành đến cán bộ, đảng viên, Nhân
dân trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần tôn vinh, giáo dục truyền thống cách
mạng kiên cường của Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau trong đấu tranh giải phóng
dân tộc cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Bác Trương Văn Hai (bí
danh Ba Chánh), nguyên chiến sĩ Đại đội 3 Tiểu đoàn U Minh ghi lại quá trình
tham gia trận chiến tại Chi khu Đầm Dơi.
Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là đã đánh dấu bước trưởng
thành vượt bậc trong đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, dân và quân Cà Mau sau
đồng khởi. Qua đó, cổ vũ mạnh mẽ phong trào phá “ấp chiến lược” của địch trên
khắp chiến trường Cà Mau. Lần đầu tiên, ta đánh cùng một lúc hai chi khu, là
một trong những trận thắng lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở màn cho lực
lượng vũ trang đánh vào các chi khu của địch. Thắng lợi trên đã phá vỡ tuyến
phòng phủ kiên cố của địch ở phía Nam Cà Mau; mở được vùng giải phóng liên
hoàn, xã liên xã, huyện liên huyện; bảo vệ được khu căn cứ cách mạng và tạo
được nguồn lực cho kháng chiến để đánh thắng địch; làm cho ngụy quân, ngụy
quyền hoang mang, lo sợ trước sự tấn công mãnh liệt của quân và dân ta.
Để thế hệ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng của
quê hương Cà Mau, ngày 26/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát động viết
hồi ký về sự lãnh đạo, đường lối chính trị, nghệ thuật quân sự của Đảng; vai
trò, sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9,
Tỉnh ủy Cà Mau và các Đảng bộ địa phương trong giai đoạn cách mạng này; quá
trình chuẩn bị chiến đấu; sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến, phục vụ chiến đấu
của các đơn vị chủ lực Quân khu 9 với bộ đội địa phương; nghệ thuật tác chiến;
sự phát triển về tư duy chiến thuật, về chuẩn bị thế trận, nắm thời cơ và vận
dụng linh hoạt cách đánh của ta; sự kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công gồm quân
sự, chính trị và binh vận; xây dựng thế trận lòng dân, đường lối chiến tranh
Nhân dân,… Qua đó, góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt
Nam và bổ sung vào nguồn tài liệu phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng cho
các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã phối hợp với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Cựu chiến binh
tỉnh, các cơ quan báo, đài của tỉnh và chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện Cái
Nước, Đầm Dơi tổ chức tuyên truyền, triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ,
đảng viên, hội viên và Nhân dân trong, ngoài tỉnh tham gia viết bài, hồi ký về
chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là.
Những chiến sĩ Tiểu đoàn
U Minh hồi ức lại thời gian tham gia các trận đánh trong chiến thắng Đầm Dơi -
Cái Nước - Chà Là năm 1963.
Ngoài
những hiện vật, hình ảnh, những ký ức của các chiến sĩ từng tham gia vào các trận
đánh, những nhân chứng lịch sử và Nhân dân đã góp phần khắc ghi lại không khí
hào hùng, quá trình chuẩn bị, diễn biến của các trận chiến Đầm Dơi - Cái Nước -
Chà Là. Tiêu biểu như bác Trương Văn Hai (bí danh Ba Chánh), nguyên chiến sĩ Đại
đội 3 Tiểu đoàn U Minh, quê quán ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi.
Ngay khi được chính quyền địa phương triển khai viết bài, hồi ký về chiến thắng
Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, bác Hai đã tự tay viết hồi ký “Đời chiến sĩ” để
ghi lại quá trình tham gia, diễn biến của trận chiến tại Chi khu Đầm Dơi.
Bác Trương Văn Hai bồi hồi nhớ lại: “Tôi lúc đó là chiến sĩ Tiểu đội cối 60 ly
- ở Tiểu đội 3, Trung đội 4, Đại đội 3 Tiểu đoàn U Minh. Đi vào chiến dịch, cấp
trên giao cho Tiểu đoàn U Minh phải đánh tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi. Khoảng 18
giờ 30 phút ngày 9/9/1963, tất cả các lực lượng tập kết, đưa quân tiến vào trận
địa chi khu. Khoảng 20 đến 21 giờ, các mũi xung kích nhập vào trong và bắt đầu
nổ súng. Đơn vị ta tiếp tục bí mật đưa các mũi xung kích, đánh chiếm các lô cốt.
Đồng thời, tiến vào trung tâm, tiêu diệt địch hầu hết chi khu, chỉ còn sót lại
01 hầm ngầm. Trời sáng, địch phản công dữ dội, đơn vị ta nhanh chóng trở về đội
hình phục kích tại đập Bàu Bèo để đánh địch can viện vào sáng ngày 10/9/1963 với
quân chủ lực, Sư đoàn 21 Vùng 4 chiến thuật của Mỹ - ngụy, làm tiêu hao nặng
sinh lực cả 01 tiểu đoàn đến can viện Chi khu Đầm Dơi. Đến ngày 24/11/1963, Tiểu
đoàn được lệnh đánh tiêu diệt Cứ điểm Chà Là. Cứ điểm nằm án ngữ trên tuyến
sông Bảy Háp, nối liền chi khu Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là. Khi đó đơn vị ta nổ
súng ngay trong đêm, lực lượng bảo an, dân vệ, chính quyền tề xã bị quân ta
tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn. Trải qua từng trận đánh, từng chiến dịch, bản
thân tôi và các đồng đội gắn bó với Tiểu đoàn U Minh, càng chiến đấu, càng trưởng
thành, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đã biết bao sự hy sinh xương
máu đổ xuống để đổi lấy hòa bình, độc lập ngày hôm nay”.
Giờ khắc quyết định số
phận tội ác của địch ở Chi khu Đầm Dơi đêm ngày 09/9/1963 (ảnh tư liệu).
Bác Đoàn Văn Vẹn (bí danh Ba Xuân), nguyên Chính trị viên phó,
Đại đội 2 Tiểu đoàn 306, tham gia chiến đấu trong trận đánh Chi khu Cái Nước
nhớ lại: “Chi khu Cái Nước có 2 đồn tứ giác (tại dinh quận), 2 đồn tam giác và
4 tháp canh bảo vệ vòng ngoài. Cứ điểm này vừa là chi khu quân sự, vừa là trung
tâm hành chính quận, xã của địch, với tổng quân số khoảng 200 tên, bao gồm bảo
an, dân vệ đóng giữ. Đại đội 2 Tiểu đoàn 306 quân số khoảng 120 đồng chí, là
đơn vị chủ công của tiểu đoàn, từng có nhiều trận đánh tàu, đánh phục kích, tập
kích đạt hiệu suất chiến đấu cao. Được giao nhiệm vụ chủ công tập kích tiêu
diệt Chi khu Cái Nước cùng ngày với Tiểu đoàn U Minh đánh Chi khu Đầm Dơi,
chiều tối ngày 09/9/1963, chúng tôi bắt đầu hành quân tiến đánh mục tiêu. Đến 1
giờ 25 phút sáng ngày 10/9/2023, Đại đội 2 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, diệt
xong địch tại dinh quận, chiếm toàn bộ đồn tứ giác 2. Là người lính năm xưa của
Tiểu đoàn 306, tôi tự hào vì được vinh dự góp phần nhỏ của mình làm nên chiến
thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, một chiến công oanh liệt đã đi vào lịch sử
kháng chiến của quân, dân tỉnh Cà Mau”.
Đại tá Lê Quang Luật, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Trưởng Ban biên
tập viết Hồi ký về chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, cho biết: “Qua quá
trình phát động, đến nay, Ban biên tập đã tiếp nhận 01 quyển viết về lịch sử
truyền thống của Ban Liên lạc truyền thống Tiểu đoàn U Minh 1 và hơn 24 bài
viết của cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu và phục
vụ chiến đấu, cán bộ và Nhân dân trong, ngoài tỉnh có nghiên cứu, hiểu biết về
chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Ngay sau khi nhận được các bài viết,
Ban biên tập rà soát, thẩm định và biên tập lại nội dung, trình Hội đồng thông
qua. Hiện tại, Ban biên tập đang gấp rút hoàn thiện các bước biên tập, kiểm
duyệt lần cuối trước khi cho in ấn, phát hành, với số lượng dự kiến phát hành
1.000 quyển. Ấn phẩm 60 năm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là “Chiến
thắng của ý Đảng, lòng dân”, không chỉ tái hiện lại không khí hào hùng của các
trận chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước (ngày 10/9/1963) và Chà Là (đêm 23 rạng sáng
24/11/1963), mà đây còn là nguồn tài liệu quý giá để giáo dục truyền thống đấu
tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau
trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đó khơi dậy lòng tự hào về
truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, tạo động lực mạnh mẽ để Đảng
bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau, lần
thứ XVI đã đề ra; góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”.
Mỹ Trân